Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

GIÁO LÝ VỀ ĐỨC MẸ MARIA 

TỪ TRUYỀN TIN ĐẾN MÔNG TRIỆU

35. Truyền tin là gì?

Truyền tin là việc Thiên Chúa sai Sứ thần Gabriel mặc khải cho Đức Trinh Nữ Maria biết: Người được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, đồng thời làm Đấng Trung Gian của nhân loại.

 

36. Việc truyền tin xảy đến thế nào?

Thánh sử Luca tường thuật việc truyền tin như sau:

“Thiên Chúa sai Tổng Thần Gabriel đến thành Nazareth trong xứ Galilêa để gặp một Trinh Nữ đã đính hôn với ông Giuse thuộc dòng tộc vua Đavít, Trinh Nữ ấy tên là MARIA. Sứ Thần vừa vào nhà Trinh Nữ liền chào: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ”. Nghe những lời ấy, Trinh Nữ băn khoăn tự nghĩ lời chào đó có ý nghĩa gì? Sứ thần giải thích: “Kính thưa Trinh Nữ, xin Trinh Nữ đừng sợ, vì Trinh Nữ đã được thiên Chúa ban tràn ơn phúc. Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai, Trinh Nữ sẽ đặt tên con trẻ là GIÊSU, Người sẽ trở nên vĩ nhân, thiên hạ sẽ gọi Người là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Đời đời Người sẽ cai trị nhà Giacóp và triều đại Người sẽ trường tồn mãi mãi”.

Trinh nữ thưa với Sứ thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi giữ mình trinh khiết?” Sứ thần đáp: “Chúa Thánh Linh sẽ đến với Trinh Nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Trinh Nữ. Vì thế Thánh Trẻ sinh bởi Trinh Nữ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Elizabeth, chị họ của Trinh Nữ, tuy tuổi đã già, đã mang tiếng là son, nay đã thụ thai con trai được sáu tháng. Vì không có sự gì mà Thiên Chúa không làm được”.

Bấy giờ Trinh Nữ Maria thưa lại rằng: “ Này tôi là Nữ tì của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ thần truyền”. (Lc1:27-38)

 

37. Ngay sau khi được truyền tin, Đức Trinh Nữ Maria đã đi đâu?

Ngay sau khi được truyền tin, Đức Trinh Nữ Maria đã rời thành Nazareth, cấp tốc đến làng Ain Karem nằm trên đồi xứ Giuđêa, cách năm dặm phía Tây Giêrusalem, để thăm bà chị họ Elizabeth sắp đến ngày hạ sinh Thánh Gioan Tẩy giả là vị Tiền hô của Đấng Cứu Thế.

 

38. Trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Trinh Nữ Maria và bà Dì Elizabeth có điều gì đặc biệt đáng chú ý?

Có điều đặc biệt đã xảy ra mà thánh sử Luca tường thuật như sau:

“Khi bà Elizabeth vừa nghe lời chào thăm của Đức Trinh Nữ Maria, tức thì con trong lòng Bà liền nhảy mừng. Bà được đầy ơn Chúa Thánh Linh, liền cất tiếng nói: “Chị thật có phúc hơn mọi phụ nữ, và Con trong lòng chị được chúc phúc. Bởi đâu tôi được diễm phúc Mẹ của Chúa tôi đến thăm tôi! Vì tai tôi vừa nghe lời chào của chị thì con trong lòng tôi nhảy mừng. Thật chị có phúc vì đã tin rằng những lời Chúa phán cùng chị sẽ ứng nghiệm”. (Lc 1:40-45)

 

39. Đức Trinh Nữ Maria đã đáp lại thế nào sau lời chúc khen của bà dì Elizabeth?

Đáp lại những lời chúc khen của bà Dì Elizabeth, Đức Trinh Nữ Maria đã chúc tụng Thiên Chúa trong Ca vịnh tuyệt diệu Magnificat (quen gọi là ca vịnh Ngợi khen). Chính trong Ca vịnh này, Đức Trinh Nữ Maria đã tiên báo Người sẽ được tôn kính khắp nơi: “Vì Thiên Chúa đã nhìn đến sự thấp hèn của Nữ tỳ Người, và từ đây muôn thế hệ sẽ khen tôi là người diễm phúc”. (Lc 1:26-47)

 

40. Đức Trinh Nữ Maria đã ở lại với bà Dì bao lâu?

Đức Trinh nữ Rất Thánh đã ở lại nhà bà Dì ba tháng, tức là tới ngày Bé Gioan được sinh ra, rồi Người trở về thành Nazareth.

 

41. Sau khi Đức Trinh Nữ Maria trở về Nazareth đã có chuyện gì xảy ra?

Sau khi Đức Trinh Nữ Maria trở về Nazareth thì Thánh Giuse đã bối rối, vì không thể hiểu nổi dấu hiệu làm mẹ xuất hiện nơi Trinh Nữ Maria, vị Hôn thê của ngài. Chính ngài đã suy tính cách thận trọng là bỏ Maria một cách kín đáo. Bỗng một Thiên Thần đã đến đánh tan các mối hoài nghi thắc mắc của Giuse, tỏ cho ngài biết rõ việc Trinh Nữ Maria thụ thai Đấng Cứu Thế một cách trinh khiết. Thánh Giuse đã đưa Hiền thê về nhà mình. (Mt 1:19-24)

 

42. Thời gian chờ ngày sinh hạ Chúa Giêsu, đã xảy ra chuyện gì?

Trong lúc chờ ngày sinh hạ Chúa Giêsu thì Hoàng Đế Rôma, mà xứ Giuđêa phục quyền, đã ra sắc lệnh truyền cho hết mọi người Do Thái phải trở về sinh quán làm sổ kiểm tra. Đức Maria và Thánh cả Giuse, sinh quán tại Bêlem sứ Giuđêa, cũng phải về đó để khai sổ gia đình. (Lc 2:1-5)

 

43. Có chuyện gì trục trặc xảy ra cho hai Đấng tại Bêlem?

Tới Bêlem, Đức Trinh Nữ Maria và bạn Người là Thánh Giuse không thể tìm được quán trọ vì chật ních người, nên nhà nào cũng từ chối. Hai Đấng Thánh đành phải vào tạm trú tại một hang động ngoài thành. Chính nơi đây, Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, đã được sinh ra. Đức Trinh Nữ Maria lấy khăn bọc Con, đặt vào máng cỏ rồi thờ lạy Ngài. (Lc 2:6-7)

 

44. Có những sự lạ lùng nào chứng tỏ việc Chúa Giêsu đã giáng sinh?

Có nhiều sự lạ. Một Thiên Thần đã báo tin cho các Mục đồng việc Chúa Cứu Thế giáng sinh và mời họ tới thờ lạy Ấu Chúa. Rồi một đoàn Thiên Thần hợp với vị Thiên Thần đó hát vang lên: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời. Bình an dưới thế cho những người thiện tâm” (Lc 2:8-14)

Về sau, có ngôi sao lạ dẫn lối cho các nhà Đạo sĩ tới gặp Ấu Chúa. Các vị này đã dâng cho Chúa vàng, nhũ hương, mộc dược, như thể tôn nhận Ngài là Vua thật, là Chúa thật và là Người thật (Mt 2:1-12).

 

45. Sau khi Chúa Giêsu sinh ra được tám ngày, đã có chuyện gì xảy ra?

Theo qui định của luật pháp, sau khi sinh được tám ngày, phải đem con trẻ tới Đền Thánh. Con Trẻ sẽ chịu cắt bì và được đặt tên là GIÊSU, có nghĩa là Đấng Cứu Thế.

 

46. Sau khi sinh được bốn mươi ngày, phải làm gì cho con trẻ?

Vẫn theo qui định luật pháp, sau khi sinh được bốn mươi ngày, Chúa Giêsu được tiến dâng nơi Đền Thờ vì Ngài là Con đầu lòng, và làm lễ thanh tẩy cho Mẹ rất thánh của Ngài. Đức Trinh Nữ Maria không phải làm lễ thanh tẩy như các phụ nữ khác vì Mẹ sinh con cách nhiệm lạ, vẫn còn trinh nguyên, nhưng vì lòng khiêm hạ, Mẹ hoàn toàn vâng phục lề luật.

 

47. Việc gì đã xảy ra khi dâng Ấu Chúa Giêsu trong Đền Thờ và Lễ Thanh Tẩy?

Chinh 1nhờ cơ hội này mà có lời tiên tri lừng danh của vị thánh lão thành Simêon. Được trời cao mặc khải, cụ đã nói với Đức Trinh Nữ Maria: “Con Trẻ này là duyên cớ cho nhiều người trong dân Israel phải hư hỏng hay được rỗi, và sẽ là dấu hiệu gây mâu thuẫn. Còn Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng Bà”. (Lc 2:23-34)

Như vậy là cụ báo trước về cuộc khổ nạn của Con và phần không kém đau khổ Người Mẹ sẽ lãnh nhận.

 

48. Thánh Gia cư ngụ tại Bêlem bao lâu?

Thánh Gia cư ngụ tại Bêlem không lâu. Các Ngài phải trốn sang Ai Cập như Thiên Thần đã cấp báo, để cứu Hài Nhi Giêsu thoát khỏi tay bạo vương Hêrôđê định sát hại. Ông đã ra lệnh tàn sát hết mọi trẻ nam từ hai tuổi trở xuống trong thành Bêlem và vùng phụ cận. Mục đích của bạo vương là để giết chết Vua Do Thái mới sinh mà ba nhà Đạo Sĩ đã nói cho ông biết (Mt 2:16-18).

 

49. Thánh Gia di tản sang Ai Cập bao lâu?

Thánh Gia di tản sang Ai Cập cho đến khi bạo vương Hêrôđê băng hà (Mt 2:13-15). Vì chúng ta không biết chính xác ngày tháng năm bạo vương chết, nên không thể xác định thời gian Thánh Gia cư ngụ tại Ai Cập. Theo mặc khải tư của hai chị Đáng kính Maria Agrêđa và Catharina Emmêrich thì Thánh Gia tạm cư tại Ai Cập chẵn 7 năm.

 

50. Sau khi từ Ai Cập về, Thánh Gia có ở luôn tại Nazareth không?

Sau khi từ Ai Cập trở về, Thánh Gia đã ở Nazareth cho tới đầu đời công khai của Chúa Giêsu. Tuy nhiên hằng năm Thánh Gia vẫn lên Giêrusalem để tôn thờ Thiên Chúa trong Đền Thánh của Ngài. Khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi, cũng đã hành hương tới Giêrusalem, và khi mọi người ra về, Chúa Giêsu ở lại Đền Thờ mà Cha Mẹ Ngài không hay biết. Đến chiều các Ngài mới nhận thấy Chúa Giêsu đã bị mất tích! Tức khắc các Ngài trở lại Giêrusalem tìm kiếm với tâm hồn buồn sầu tan nát! Sau ba ngày vất vả tìm kiếm, các Ngài đã gặp thấy Chúa trong Đền Thờ đang tranh biện với các Luật sĩ. (Lc 2:41-52)

 

51. Đức Trinh Nữ Maria đã làm gì tại Cana trong đầu đời công khai của Chúa Cứu Thế?

Khởi đầu đời công khai của Chúa Giêsu, Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu đã được mời đến dự tiệc cưới tại thành Cana xứ Galilêa. Nhờ lời Đức Mẹ nài xin, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hoá nước thành rượu, đây là phép lạ đầu tiên của Ngài.(Jn 2:1-10)

 

52. Trong ba năm Chúa Giêsu truyền giáo, Đức Mẹ Maria đã làm gì?

Trong thời gian hoạt động công khai của Chúa Cứu Thế, Đức Mẹ Maria đã theo dõi các hoạt động tông đồ của Con Mẹ. Trong ít nhiều trường hợp, chúng ta thấy Đức Mẹ Maria trà tộn giữa đám đông.

 

53. Đức Trinh Nữ Maria đã làm gì trong cuộc khổ nạn của Chúa Cứu Thế?

Sau khi nhận được tin Tông đồ Giuđa phản bội, và Con Chí Thánh đã bị bắt, bị kết án tử, Đức Mẹ Maria đã ra đi gặp Con trên đường khổ nạn, theo Con lên núi Sọ, để tham dự việc Con Mẹ chịu đóng đinh, chịu chết và chịu táng trong mồ. Chính tại đỉnh đồi này, từ trên cây khổ giá, trước khi tắt thở, Chúa Giêsu đã công bố: Đức Maria là Mẹ thiêng liêng của hết mọi người mà lúc bấy giờ thánh Gioan là đại diện. (Jn 19:26-27)

 

54. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra với ai trước hết?

Ý kiến chung đều nhận rằng, khi vừa phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra với Mẹ Ngài. Lưu truyền và lẽ phải dạy chúng ta như vậy. Theo lẽ hiển nhiên, sau này Chúa Giêsu còn hiện ra với Đức Mẹ nhiều lần trong bốn mươi ngày lưu lại ở trần gian trước khi Chúa về trời.

 

55. Đức Mẹ maria có tham dự khi Chúa Giêsu về trời không?

Thánh Kinh không nói với chúng ta điều đó. Nhưng quá hiển nhiển là Đức Trinh Nữ Maria đã cùng với các Tông Đồ và Môn Đệ dự kiến cuộc thăng thiên của Chúa trên núi Ôlivê.

 

56. Sau khi Chúa về trời, Đức Trinh nữ Maria đã làm gì?

Ngay sau khi Chúa Giêsu về trời, Đức Mẹ Maria đã cấp tốc trở về Nhà Tiệc Ly cùng với các Tông Đồ dự tuần tĩnh tâm cầu nguyện, đón đợi Chúa Thánh Linh mà Chúa Giêsu đã hứa ban. Hết tuần chín ngày, đến ngày thứ mười, Chúa Thánh Thần đã linh giáng bằng cơn gió rất mạnh tràn vào nhà, rồi có hinh lưỡi lửa đỗ trên đầu Đức Mẹ Maria và các Tông Đồ (Tông Đồ Công Vụ 2:1-5) Giáo Hội gọi ngày đó là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

 

57. Đức Mẹ Maria có bao giờ rước lễ không?

Chắc hẳn là có. Thánh Gioan Tông Đồ được Chúa Giêsu yêu dấu (xem Jn 13:23-25) đã được Chúa trao phó Đức Mẹ Maria trên đồi Golgotha trước khi Chúa ly trần. Ngài liền đem Đức Mẹ về nhà mình (xem Jn 19: 26-27). Chắc chắn Thánh Gioan đã vâng nghe lời Chúa Kitô dặn: “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22:19) nên đã dâng thánh lễ để Đức Mẹ Maria tham dự.

Về phần Đức Mẹ, đã chịu cực khổ vô cùng khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi ở lại Đền Thánh chỉ ba ngày mà Mẹ không biết. Giờ đây, Chúa Kitô đã lìa Đức Mẹ để về Trời, nhưng lại hiện diện một cách thực tại trong Nhiệm Tích Thánh Thể (Mt 28:20) lẽ nào Đức Mẹ không nôn nóng và vội vã rước lễ để đón nhận chính Mình và Máu Chúa Kitô, Con Chí Ái của Mẹ?

Theo mặc khải tư của hại chị Đáng Kính Maria đệ Agrêđa và Catharina Emmêrích, Đức Mẹ có tham dự Bữa Tiệc Ly của Chúa Cứu Thế và đã rước lễ, nhưng Đức Mẹ và các phụ nữ đạo đức tham dư tại một phòng kế cận Phòng Tiệc Ly. Sau khi Chúa về Trời, Đức Mẹ thường tham dư Thánh Lễ và Rước Chúa mỗi lần Thánh Tông Đồ Gioan cử hành thánh lễ.

(Xem Thành Đô Huyền Nhiệm tr. 433-435. The Life of The Blessed Virgin Mary from Venerable Anne Catherine Emmerick tr. 358-361)

 

58. Tại sao gọi Đức Trinh Nữ Maria là “ Mẹ Thánh Thể?”

Đức Trinh Nữ Maria được tôn vinh là “Mẹ Thánh Thể” vì các lý do sau đây:

Chúa Giêsu Kitô hiện diện thực sự trong phép Thánh Thể cũng chính là Chúa Giêsu Kitô đã sinh bởi cung lòng trinh khiết Đức Mẹ Maria. Chính Mẹ đã nuôi dưỡng, chăm nom săn sóc và dạy dỗ Hài Nhi Giêsu từ tấm bé. Thân thể, máu huyết Chúa Kitô phát xuất từ ngọc thể Đức Maria do quyền năng tác động của Thánh Linh. Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng đồng trinh của Đức Mẹ cũng chính là Chúa Kitô ngự thật trong phép Thánh Thể mà chúng ta rước vào lòng.

Chúa Kitô ngày nay ngự thật trong Nhà Tạm tại các nhà thờ Công Giáo cũng chính là Chúa Giêsu Kitô đã ngự chín tháng trong cung lòng dấu ái của Mẹ Maria.

 

59. Hãy nói về linh hồn Đức Giêsu Kitô và Đức Mẹ Maria. (The Marian Catechism số 36)

Thiên Chúa đã dựng nên linh hồn Đức Giêsu Kitô và linh hồn Đức Trinh Nữ Maria cũng giống như đã tạo dựng linh hồn chúng ta. Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa, là Đấng Hằng Hữu, có từ tưở đời đời. Nhưng đến thời đã định, Thiên Chú Ba Ngôi đã tạo dựng cho Ngôi Hai một linh hồn và một thân xác để trở thành một người. Đức Trinh Nữ Maria không được hiện hữu trước khi được Thiên Chúa tạo dựng linh hồn Đức Mẹ.

Linh hồn người thì thiêng liêng, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, nên nó bất tử.

 

60. Thiên Chúa đã tạo dựng Đức Trinh Nữ Maria trước khi cho Ngôi Hai Nhập Thể chịu chết trên Thánh Giá, làm sao Chúa Kitô có thể cứu chuộc linh hồn Đức Trinh Nữ Maria? (The Marian Catechism số 17)

Chúa Kitô cứu chuộc linh hồn Đức Mẹ Maria bằng tiên hưởng, (tức là hưởng trước). Vì Thiên Chúa không bị giới hạn bởi thời gian. Tất cả chương trình cứu độ Chúa Kitô thực hiện trên mặt đất đã luôn luôn hiện hữu trong thánh ý Thiên Chúa. Đức Trinh Nữ Maria cũng đã hiện hữu trong thiên ý. Đức Mẹ đã biết khi Con Chí Ái của mình chịu đau khổ tột độ cho nhân loại, thì cũng chịu cho chính Mẹ nữa. Chúa Kitô đã lập công cho Đức Mẹ bằng mọi đặc ân và ơn nghĩa trung thành.

 

61. Sau khi Chúa về trời, Đức Mẹ Maria còn sống trên trần gian được bao lâu nữa, và ly trần ở đâu?

Không ai biết được đích xác, kể cả các sử gia sau đó. Ngay cả đến các vị đạo đức thánh thiện đã được mặc khải tư về đời sống Chúa Giêsu và Đức Mẹ, nhất là sau khi các Ngài chết trong hương thơm thánh thiện, đã được Giáo Hội Rôma liệt vào sổ các vị Đáng kính, cũng đã tả khác nhau theo mặc khải tư của họ. Chị Đáng kính Maria đê Agrêđa (1602-1665) tuyên bố: Đức Mẹ Maria ly trần tại Giêrusalem, hưởng thọ 70 tuổi. Chị Đáng kính Anna Catharina Emmêrích (1774-1824) lại quả quyết: Đức Mẹ Maria ly trần tại Ephêsô nước Ai Cập, hưởng thọ 63 tuổi. Gần đời chúng ta hơn có chị Therese Neuman (1898-1962) người đã được Chúa in năm Dấu Thánh, cũng đã được mặc khải qua thị kiến, tuy chị không đề cập đến tuổi, nhưng đã xác quyết: Đức Mẹ ly trần tại Giêrusalem nước Do Thái. (Therese Neumann Mystic and Stigmatist by Adalbert Voglp. 47)

Về phần Đức Mẹ, vì quá khiêm nhượng muốn sống ẩn tích mai danh để qui mọi vinh quang về Thiên Chúa, nên Đức Mẹ đã giấu kín không hề tiết lộ, mà có lẽ còn cấm các Thánh sử là những người đã sống đồng thời với Đức Mẹ, không cho các Ngài đề cập đến số tuổi và nơi Đức Mẹ đã lìa trần.

Có một số Giáo Phụ nổi danh thuộc thế kỷ thứ VII và thứ VIII, nghĩa là sau khi Đức Mẹ ly trần, như Thánh Môđestô, Thánh Sôphrônia và Thánh Germanô thì quả quyết Đức Mẹ đã qua đời tại Giêrusalem.(xem Florilegium Mariae tr. 263)

Giáo Hội Rôma cũng không xách quyết điều đó, để ai muốn nhận nơi nào tùy ý.

Tuy nhiên, mọi người đều biết rõ việc hiển nhiên này: Trong chuỗi ngày Đức Mẹ Maria sinh sống ở trần gian sau khi Chúa Giêsu đã về trời, Mẹ đã săn sóc đến lợi ích và việc phát triển Giáo Hội sơ khai. Sự hiện diện dịu hiền đầy tình mẫu tử và những gương sáng rạng ngời của Mẹ đã phấn khởi, khích lệ và làm kiên vững các Tông Đồ, và các môn đệ và tín hữu tiên khởi của Chúa Kitô.

 

62. Kinh Thánh không đề cập đến, Đức Trinh Nữ Maria cũng không tiến lộ, các mặc khải tư thì nói không giống nhau. Vậy còn cách nào có thể suy diễn và phỏng đoán những diễn tiến của cuộc đời Đức Mẹ Maria không?

Theo Cha Raoul Plus Dòng Tên đã ghi lại những sưu tầm của Ngài trong cuốn sách: “Đức Maria trong đời sống siêu nhiên của chúng ta” (Mary in our Soul life tr. 27), sau đây là diễn biến cuộc đời Đức Mẹ Maria.

-Ngày Truyền Tin: Đức Mẹ 15 tuổi.

- Khi di cư sang Ai Cập: Đức Mẹ 17 tuổi.

- Khi cùng với Thánh Gia trở về Nazareth: Đức Mẹ 24 tuổi.

- Khi Thánh Cả Giuse ly trần: Đức Mẹ 42 tuổi.

– Khi Chúa Giêsu từ giã ra truyền giáo công khai: Đức Mẹ 45 tuổi.

- Khi ly trần: Đức Mẹ 72 tuổi.

 

63. Kinh Thánh Tân Ước có ghi lại các lời Đức Maria đã nói công khai khi còn sống không?

Kinh Thánh Tân Ước, cũng như Công Vụ Tông Đồ và Các Thánh Thư không ghi nhiều các lời Đức Mẹ Maria đã nói, như các lời giảng dạy của Chúa Kitô, mà chỉ ghi 6 lời ngắn gọn và một lời dài ca tụng Thiên Chúa:

Với Sứ Thần Gabriel đến báo tin:

1. “Việc ấy thành sự sao được, vì tôi đã khấn giữ mình trinh khiết với Thiên Chúa” (Lc 1:34).

2. “Này tôi là Nữ tì của Thiên Chúa” (Lc 1:38A).

3. “ Tôi xin hoàn toàn vâng phục lệnh Thiên Sứ” (Lc 1:38B).

Với Dì Elizabeth khi Dì ca tụng Đức Maria là người có phúc, tức thì Đức Mẹ cất lên bài ca tôn vinh Thiên Chúa:

4. “Chúa toàn năng đã làm cho tôi muôn điều trọng đại, danh Ngài là Thánh” (Lc 1:46-55).

Khi lạc mất Chúa Giêsu rồi tìm thấy trong Đền Thờ:

5. “Con ơi! Sao Con làm như thế? Cha và Mẹ đã hết sức lo lắng tìm Con?” (Lc 2:49)

Khi dự tiệc cưới tại Cana, Đức Mẹ đã trình với Chúa Giêsu:

6. “Họ hết rượu rồi!” (Jn 2:3) Rồi Đức Mẹ nói với các người giúp việc:

7. “Ngài bảo thế nào, các anh cứ làm như vậy” (Jn 2:5)

 

64. Trước khi ly trần trên thập giá, Chúa Kitô đã phán những lời nào liên quan tới Đức Mẹ Maria?

Thánh Kinh Tân Ước đã ghi lại 7 lời cuối cùng của Chúa Kitô trên thập giá, có 1 lời liên quan tới Đức Mẹ.

1. “ Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23:43)

2. “ Ta bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được về Trời với Ta” (Lc 23:43).

3. “ Thưa Bà, đây là Con của Bà!” (Jn 19:26).

“ Đây là Mẹ của Con”(Jn 19:27).

4. “ Lạy Thiên Chúa Cha! Sao Cha bỏ Con?” (Mt 27:46)

5. “ Ta khát” (Jn 19:28).

6. “Mọi sự đã hoàn tất” (Jn 19: 30).

7. “Lạy Cha! Con phó linh hồn trong tay Cha” (Lc 23:46).